Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ) là một trong những bệnh lý phổ biến thường gặp ở trẻ em hơn người lớn. Mặc dù đây là một bệnh lành tính nhưng cũng có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng. Do đó, bố mẹ cần phải chủ động tìm hiểu để biết cách phòng trị cũng như nhận biết bệnh thủy đậu ở trẻ. Sau đây là những hiểu biết về bệnh mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn. Hãy cùng nhau theo dõi để hiểu rõ hơn về căn bệnh này nhé!
Mục Lục
Thế nào là bệnh thủy đậu?
Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thủy đậu có tên Varicella-zoster virus gây ra. Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, có thể xảy ra ở cả trẻ em (phổ biến hơn) và người lớn. Mùa xuân thời tiết nồm ẩm là thời điểm bệnh thủy đậu bùng phát mạnh nhất. Bệnh có nhiều con đường lây nhiễm và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy, cần có kiến thức cơ bản để nhận biết bệnh thủy đậu cũng như phương pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Các con đường lây lan của bệnh thủy đậu?
Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp. Vì vậy đa số các trường hợp mắc bệnh đều do:
- Tiếp xúc với người bị thủy đậu thông qua không khí như hít phải nước bọt hay tiếp xúc với chất dịch bên trong mụn nước.
- Sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, quần áo hay ăn uống với người bị thủy đậu cũng là một trong những nguyên nhân lây truyền bệnh.
Một số biểu hiện nhận biết bệnh thủy đậu nhanh chóng
Bệnh thủy đậu gồm có 4 giai đoạn với các biểu hiện. Cụ thể như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: 10 – 20 ngày, người bệnh không xuất hiện các biểu hiện lâm sàng.
- Giai đoạn khởi phát: Sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu và phát ban đỏ, viêm họng…
- Giai đoạn toàn phát: Sốt cao, đau đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói. Ban đỏ chuyển thành mụn nước hình tròn, đường kính 1 – 3mm, chứa chất dịch bên trong. Xuất hiện ở toàn thân, nhất là trên tay, chân, lưng, mặt, vùng niêm mạc miệng. Trường hợp bệnh tiến triển nặng như nhiễm vi trùng, mụn nước sẽ có kích thước lớn hơn, có màu đục bên trong do chứa mủ.
- Giai đoạn hồi phục: Các mụn nước sẽ vỡ ra, khô lại, bong vảy và dần hồi phục.
Những hậu quả nghiêm trọng của bệnh thủy đậu
Thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Những biến chứng thường gặp của bệnh thủy đậu gồm:
- Nhiễm trùng: Viêm phổi thủy đậu, viêm tai ngoài, tai giữa, viêm thanh quản, viêm võng mạc, viêm cầu thận cấp, viêm gan, viêm não. Đặc biệt, viêm màng não biến chứng có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
- Biến chứng thủy đậu khi mang thai (Thủy đậu chu sinh). Cụ thể, thai nhi có thể bị nhiễm thủy đậu từ mẹ, gây khuyết tật thậm chí tử vong.
- Bệnh zona thần kinh: Sau khi khỏi bệnh, virus Varicella Zoster (VZV) vẫn tồn tại ở rễ dây thần kinh. Khi hệ thần kinh suy yếu, virus tái hoạt động và gây bệnh zona thần kinh.
Bệnh thủy đậu được điều trị như thế nào?
Để điều trị bệnh thủy đậu bằng thuốc cần phải có sự chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc bôi chống bội nhiễm của bệnh thủy đậu có thể kể đến như: Mỡ kháng sinh (trong đó có mỡ Bactroban, Fucidin), thuốc bôi chống virus Acyclovir. Ngoài thuốc bôi ngoài da, còn có thuốc uống Acyclovir giúp làm giảm mức độ nặng của bệnh và các ca nhiễm thứ phát.
Chăm sóc tại nhà: Mặc quần áo rộng, nhẹ và mỏng, thấm hút mồ hôi tốt để tránh làm bong vỡ các mụn nước. Tuyệt đối không được gãi để tránh làm vỡ các mụn nước và dây phần dịch mủ ra các vùng da xung quanh. Nếu người bệnh xuất hiện các biểu hiện bất thường như sốt cao kéo dài, co giật, hôn mê, xuất huyết cần đưa ngay đến bệnh viện để theo dõi và điều trị.
Biện pháp thích hợp để tránh lây nhiễm thủy đậu
Hiện nay, chủng ngừa vaccine thủy đậu là cách phòng tránh lây nhiễm bệnh hiệu quả và lâu dài. Vì vậy, với những gia đình có con nhỏ, cần đưa trẻ đi tiêm ngừa theo lịch tiêm như sau:
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 12 tháng.
- Mũi 2: Từ 1-13 tuổi: cách mũi 1 ít nhất 3 tháng; từ 13 tuổi trở lên: cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Ngoài ra, người bệnh cần được cách ly với những thành viên khác trong gia đình cũng như cộng đồng. Phòng ở của người bệnh cũng phải thường xuyên vệ sinh bằng các dung dịch tẩy rửa.
Khuyến nghị
Trên đây là những dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu cũng như phương pháp phòng trị bệnh. Ngoài ra, do chưa có thuốc đặc trị thủy đậu, vì vậy để phòng bệnh thủy đậu, bạn nên chủng ngừa vaccine thủy đậu đúng liều lượng. Bên cạnh đó, bạn cần thăm khám khi có các triệu chứng bất thường để điều trị kịp thời và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.